Xem Khánh Ly ở Nhà hát Lớn23/09/2017

 

Xem Khánh Ly ở Nhà hát Lớn

Đêm Khánh Ly- 55 năm hát tình ca, tôi đứng đủ gần sân khấu để thấy vẻ căng thẳng của ca sĩ ở những phút đầu tiên đối diện khán giả. Có lẽ trước đêm diễn lớn nào, người hát cũng vậy thôi. Những cảm giác hôm nay Khánh Ly hồi hộp hơn. Vì đây là lần đầu bà hát ở Nhà hát Lớn Hà Nội, nơi bà hằng ước ao.

 

 

Sự run run dồn xuống đôi tay, và bà đưa mic lên… Những âm thanh thốt ra vẫn thản nhiên như không. Và có một điều bà không nói ra, đây rất có thể cũng là đêm giã từ khán giả Hà Nội.

Khánh Ly tiết lộ bà bị thần kinh tọa, chỉ đứng “bằng một chân” và vẫn phải tiêm đều để điều trị tiểu đường. Tôi được biết bà còn từng trải qua một ca mổ quan trọng trong nước. Nhưng chỉ xem bà trên sân khấu, chẳng ai hay bà có vấn đề gì về sức khỏe. Người nghe chỉ mải xoay quanh việc bà hát hay đến đâu, hợp gu họ đến đâu mà thôi. Nói về độ cuồng thì khó ai bằng ông Kanomata Tatsuo- người đáp chuyến bay từ Hokkaido, Nhật Bản đến Hà Nội chỉ được nghe Khánh Ly hát một đêm. Ông bằng tuổi Khánh Ly, nghe bà hát lần đầu năm 1967 tại Sài Gòn.

Mặc dù không biết nhạc lý, chỉ trải qua những lớp học thanh nhạc của Trịnh Công Sơn nhưng nghệ thuật hát của Khánh Ly đã trở thành nhãn hiệu độc quyền. Trong hồi ký, bà kể Trịnh Công Sơn bắt bà phải hát bằng giọng thật và thò đầu ra cửa sổ hát cho to… Nhiều người có thể hát giống, nhưng không có được cái hồn như bà. Nghe bằng tai thì thấy Khánh Ly sử dụng chất giọng thổ (giọng nữ cực trầm) một cách rất khéo. Bà hát đúng là bằng giọng thật hay còn gọi là hát bẹt- nghe rất thuần Việt, lại không bị thô, cứ thủ thỉ nhẹ nhàng. Hát được như thế phải luyện hơi rất kỹ và rõ ràng là bà vẫn giữ tốt làn hơi đó trong đêm diễn đánh dấu tuổi 73 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trên nền tảng kỹ thuật vững như thế, bà chỉ cần hát chân phương từ đầu đến đuôi, thế là ăn. Còn khán giả thích bài nào hơn bài nào là thiên kiến riêng của họ mà thôi. Tất nhiên riêng phần nhạc Trịnh thì có khác. Nó là cái gì đó gần như máu thịt của Khánh Ly rồi. Về cuộc gặp định mệnh với nhạc Trịnh, Khánh Ly nói xa xôi: “Số phận cũng oái oăm, làm cho nhiều khi cảm thấy mình bị thương. Bởi vì nói trong cuộc đời mình không tiếc một điều gì cả, nhưng thực ra trong tận đáy lòng mình, phải tiếc chứ. Có nhiều điều để cho mình tiếc lắm nhưng cứ phải vờ để có thể sống tiếp, đi tiếp được. Đi một mình là điều bất hạnh. Nhưng cũng có người được sinh ra chỉ để đi một mình thôi. Vì có đi một mình thì mới thấy hết được cái bao la của lòng người. Chứ nếu có nhiều người bên cạnh, đôi khi chỉ thêm một người bên cạnh lại trở thành cái gì rất quan trọng. Chỉ cần một người đến ngồi cạnh mình và không nói gì cả. Mà vẫn hiểu nhau, vẫn đi cùng với nhau trong suốt bao nhiêu năm tháng dài như thế. Đó là số phận”.

Suốt đêm diễn, duy có bài Ru ta ngậm ngùi nhạc sĩ cắc cớ viết hai quãng tám làm bà hơi với một tị. Với những bài mới vỡ như Nỗi nhớ mùa đông, Giọt nắng bên thềmQuê hương- bà không tránh khỏi bỡ ngỡ về lời, chứ không vấn đề gì về nhạc. Tôi nghĩ một đĩa Khánh Ly hát Phú Quang xứng đáng để khán giả chờ đón, biết đâu… Hơn nữa ở tuổi xưa nay hiếm, những lỗi quá nhỏ như thế cũng xứng đáng được thưởng thức chứ không phải bắt bẻ.

Cuối chương trình, Khánh Ly đưa tay áo lên lau mồ hôi, chứ không phải nước mắt. Khánh Ly đã toát mồ hôi hơi bị nhiều trên sân khấu Nhà hát Lớn, dù bản lĩnh của bà sau bấy nhiêu năm đứng các thể loại sân khấu đã có thừa. Họa sĩ Trịnh Cung từng nhận xét: “Khánh Ly có khả năng làm chủ sân khấu bất kỳ ở đâu. Mỗi lần Ly xuất hiện trên sân khấu mà tôi được dịp chứng kiến, cô đã chuyển đổi tất cả các thế lực đi theo cô. Sức mạnh của ca sĩ, khả năng hấp dẫn của ca sĩ, sự lôi cuốn của ca sĩ cộng với sự ái mộ của khán giả kết hợp lại- đó là một thế lực tuyệt đối”. Theo tuổi tác, “thế lực” đó nếu có thì nay được thể hiện một cách tự nhiên, nhuần nhị. Tôi chỉ thấy một nghệ sĩ nắn nót trong từng tiếng phát ra, hát cũng như nói. Trong đêm diễn vừa qua, người dẫn (NSND Lê Khanh) còn nói nhịu, nói vấp chứ bà thì không. Khi nào không nói được, bà chỉ đơn giản lặng yên.

Sinh năm 1945, trải qua đủ các thăng trầm của một người đàn bà Việt, với cả một hành trang sự nghiệp đồ sộ sau lưng, vậy mà vẫn đứng vững, tiếng hát vẫn nhẹ bay. Khánh Ly xứng đáng là một tượng đài, ít ra về nghề. Một ca sĩ trẻ thuộc dòng thính phòng ở Hà Nội sau khi xem clip tôi quay Khánh Ly hát nhận xét: “Thật hiếm có khi một giọng hát đã ở vào tuổi này mà vẫn giữ được hầu như nguyên màu giọng vốn có. Không như một số giọng hát hiện nay mới qua 40 tí mà đã mất màu rất nhiều”.

Khánh Ly tâm sự: “Một nhà văn nước nào tôi không nhớ rõ nói: Tuổi già như một con tàu đắm. Tức là bây giờ tôi đã đắm được cái đầu rồi. Còn cái đuôi chưa đắm thôi. Thực sự tôi muốn được hát như đêm nay nhưng các đồng sự không tin tưởng, nghĩ là chắc tôi hát không được, nên không ai làm (chương trình) cho tôi hết. Giờ có lẽ thấy tôi cũng sắp sửa tới cõi rồi, không làm cho tôi, mai kia mốt nọ đó, tôi sẽ về, tôi dựng dậy tôi bắt phải trả nợ (cười). Nợ tiền có thể trả và trả xong rồi là good-byekhông vương vấn gì. Nhưng nợ tình khó trả lắm. Cho dẫu là có kiếp sau đi chăng nữa…”. Bà cũng tâm sự càng lớn tuổi càng muốn hát nhiều hơn, hát tới khi không hát được nữa thì thôi. Và nếu có kiếp sau, bà cũng sẽ tiếp tục hát.