Trò thổi cơm thi trong lễ hội cổ truyền30/06/2011

Trò thổi cơm thi phản ánh đậm nét đời sống lao động của cư dân trồng lúa ở Việt Nam. Tùy theo tập quán của từng địa phương, trò thổi cơm thi được tiến hành ở mỗi nơi một khác, nhưng nó không chỉ là một trò chơi giải trí trong dịp lễ hội. Sản phẩm đoạt giải của cuộc nấu cơm thi được coi là vật phẩm quý giá để cúng thần linh.

 



Tất nhiên, muốn có cơm thì phải có gạo và phải biết nấu, biết thổi. Dù không khó khăn lắm, nhưng nếu không học hỏi, tập luyện thì cũng không thể nấu cơm ngon. Do vậy, trò "thổi cơm thi" đã xuất hiện khá nhiều trong các hội làng ở những vùng có đông cư dân trồng lúa. Trò thổi cơm thi cũng đã được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Người thì bảo thổi cơm thi là để có cơm nhanh cho binh sĩ kịp ăn trước khi lên đường ra trận. Người thì nói thổi cơm thi là một trò vui giải trí trong ngày hội.
Tuy nhiên, với cách nhìn của nhà nông, người ta vẫn có thể nói rằng, thổi cơm thi là một trò diễn nhằm thể hiện lòng quý trọng lúa gạo, trau dồi thao tác chế biến một sản phẩm nông nghiệp quan trọng bậc nhất do chính tay họ làm ra.

Tùy theo phong tục tập quán của từng địa phương mà trò thổi cơm thi được tiến hành ở mỗi nơi một khác. Nơi thì tổ chức giữa sân đình, nơi thì thi thổi trên thuyền ở giữa hồ nước, nơi thì phải tự kéo lửa, nơi thì vừa kết hợp làm thêm việc khác... Nhưng dù tổ chức ở đâu và cách thức như thế nào thì cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn: nhanh và thật ngon, bất luận trong hoàn cảnh nào.

Hội làng Cảnh Thụy (Yên Dũng, Bắc Giang) mở vào mùa xuân hằng năm có trò thổi cơm thi rất phong phú, độc đáo. Sau khi tế Thành hoàng, làng tổ chức một cuộc thổi cơm thi với quy mô rộng lớn để nhiều người tham dự. Trò thi này được thực hiện theo bốn kiểu sau đây:

Kiểu thứ nhất: Thành viên tham dự là các cô gái chưa chồng trang phục đẹp. Họ vừa thổi cơm vừa phải bế một đứa trẻ chưa đầy một tuổi và giữ một con cóc không cho nó nhảy ra khỏi cái vòng tròn có đường kính chừng 1 m. Ðịa điểm dự thi là khu đất bằng phẳng bên cạnh đình làng, thời gian quy định là cháy hết một nén hương dài khoảng 40 cm. Các cô gái dự thi đều phải buộc một sợi dây bao ở lưng để cài vào phía sau dây bao ấy một cái cần câu uốn cong về phía trước mà treo niêu thổi cơm. Vật dụng kèm theo là một nắm bùi nhùi, hai thanh nứa để kéo lửa, nhai mía lấy bã làm củi. Mọi người dự thi phải tự mình thực hiện các khâu kéo lửa, nhóm lửa, thổi cơm, giữ đứa trẻ không khóc, giữ cóc không ra khỏi vòng trong khoảng thời gian quy định.
Sau khi thẻ hương cháy hết, những ai thổi được niêu cơm chín tới, thơm dẻo, khi đập vỡ niêu có một lớp cháy vàng ôm lấy chung quanh và trong quá trình thi mà con không khóc, cóc không nhảy ra khỏi vòng tròn là đoạt giải. Làng sẽ trao giải thưởng và đem nồi cơm đoạt giải ấy vào đình làm lễ cúng thổ công cùng với thần nông, thành hoàng.

Kiểu thứ hai: Cũng có phần tương tự như kiểu trước về mặt vật dụng nhưng người dự thi là những cô gái cải trang thành con trai, trong lúc thi họ không đứng một chỗ mà phải đi vòng quanh đình theo quy định một số vòng thì cơm phải chín, phải thơm dẻo. Ở kiểu thứ hai này thời gian phải dài hơn bởi vì vừa đi vừa thổi thì niêu cơm sẽ đung đưa làm cho lửa khó tập trung vào đáy niêu, vả lại gió thổi trong lúc vận động cũng giảm bớt độ nóng của lửa. Trong trường hợp ấy nếu người thi không điều khiển tốt thì rất có thể cơm không chín hoặc chín không đều. Ði hết số vòng quy định thì dừng lại. Cơm người nào chín, ngon, không vương vãi quanh nồi thì sẽ được thưởng, được đưa vào đình cúng thần linh để cầu lộc, cầu may.

Kiểu thứ ba: Những người dự thi, từng đôi một, vừa bơi thuyền trên hồ, vừa thổi cơm thi. Ðây là kiểu thuyền thúng đan bằng tre, bơi bằng tay, luôn luôn chồng chềnh, nếu không khéo là lật xuống nước. Từng đôi phân công nhau một người bơi, một người thổi cơm và bơi hết một số vòng quy định thì phải dừng lại dù cơm đã chín hay chưa. Người thi cũng phải chuẩn bị dụng cụ đánh lửa, nhóm lửa và củi để đốt (củi ở đây là những que đóm chứ không phải là bã mía như kiểu thi thứ nhất). Cơm thi cũng nấu bằng nồi đất, buộc vào một cái cần phía trước mũi thuyền, đáy nồi chỉ cách mặt nước khoảng 20cm. Kiểu thi này khó hơn hai kiểu trước vì khoảng cách đốt lửa quá ngắn (20cm). Nếu đốt sát đáy nồi thì cơm dễ bị cháy nhưng trong ruột vẫn chưa chín nhừ; nếu đốt lửa gần nước mà thuyền chồng chềnh một tý là tắt luôn. Khi đã tắt thì củi bị ướt rất khó nhóm lại, nếu nhóm được cũng đã hết thời gian. Trên trường thi lại có giám thị kiểm soát nghiêm ngặt từ điểm xuất phát đến điểm về đích. Thi thổi cơm trên thuyền đã khó, lại tổ chức vào buổi tối nên mọi thao tác đều khó khăn. Tuy vậy, do có sự tập luyện, chuẩn bị chu đáo nên nhiều đôi vẫn giành được giải. Ðó là những thuyền bơi về đích sớm nhất lại thổi được cơm chín, cơm dẻo.

Kiểu thứ tư: Vừa thi thổi cơm vừa hoạt động văn nghệ. Thành viên dự thi là 20 cô gái xinh đẹp, chưa chồng được hàng tổng chọn cử. Bước vào cuộc thi, họ phân thành hai nhóm trong đó một nhóm cải trang thành nam giới. Họ cũng phải chuẩn bị hai que nứa đánh lửa, bùi nhùi để nhóm, mía để nhai lấy bã làm củi, niêu thổi cơm bằng đất treo trên cần như kiểu thi thứ nhất nhưng không phải giữ con, trông cóc. Hai nhóm này vừa khẩn trương thổi cơm, vừa hát đối đáp với nhau theo kiểu hát giao duyên nam nữ thường thấy trong hội làng. Những người hát cũng phải hát hay, đúng quy cách, bài bản theo trình tự hát vào đám, hát kết, hát rã đám. Ban giám thị ngồi cạnh theo dõi lời hát, lượt hát, ghi vào thẻ để cho điểm. Ngoài những bài hát quen thuộc, họ còn phải ứng khẩu đối đáp nhau bằng sự sáng tạo của cá nhân. Giải thưởng trao cho nhóm thắng cuộc được căn cứ vào chất lượng nồi cơm thổi được cùng với số lượng câu hát đối đáp của mỗi nhóm diễn ra trong cùng một thời gian.

Làng Cao Ðài (thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Ðịnh) hằng năm mở hội vào ngày 22 tháng bảy âm lịch để tưởng niệm Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và công chúa Phụng Dương (vợ của ngài) đã có công trong việc xây dựng, mở mang làng ấp. Trong lễ hội có trò thổi cơm thi rất khó nhưng lại cuốn hút được sự quan tâm của nhiều người. Cuộc thi này chỉ dành riêng cho những cô gái chưa chồng. Ban chấm thi là các lão nông tri điền có uy tín do làng chọn cử, trong đó có một vị chủ khảo điều hành chung. Chủ khảo đầu quấn khăn lụa đỏ, áo thụng vàng, quần dài trắng ra điều khiển cuộc thi bằng những hồi trống dõng dạc, các tốp trai gái mặc quần áo đẹp hát đối đáp làm nền. Các cô gái dự thi thì đi chân đất, mặc áo tứ thân, váy lụa đen, yếm trắng, đầu chít khăn màu, lưng thắt dải lụa. Người thi phải thực hiện tất cả các khâu từ đầu đến cuối nên phải chuẩn bị đầy đủ các thứ như quang gánh, hũ đựng sẵn nước, bó đóm bằng tre ngâm phơi khô, bùi nhùi rơm có ủ lửa, bã mía phơi khô, rá vo gạo, đũa bếp để khuấy cơm. Khi nghe trống lệnh, các cô gái quảy gánh lên vai đi vòng quanh trường thi theo nhịp trống, vừa đi vừa thực hiện các thao tác thổi cơm. Theo quy định của ban giám khảo thì gánh trên vai của mỗi người phải thật cân, tay không được giữ đòn gánh mà gánh vẫn không lệch về bên nào. Ðộng tác đầu tiên là phải lấy gạo, rót nước từ hũ ra vò và phải giữ cho gạo không rơi một hạt (nếu rơi là bị loại ngay ở vòng đầu vì đã phạm quy). Tiếp theo là rót nước vào niêu cho vừa, không được rơi một giọt nào ra ngoài. Sau hai động tác ấy người dự thi phải chuyển hướng quang gánh đưa bếp từ phía sau ra phía trước để lấy lửa từ mồi rơm ra bùi nhùi, ra đóm mà đốt vào đáy niêu. Nước bắt đầu sôi thì lấy gạo ở phía sau đổ vào rồi tiếp tục điều khiển cho đến khi cơm chín. Trong suốt quá trình thổi chỉ được dùng đũa bếp khuấy cơm ba lần vào những thời điểm quy định chứ không được dùng hơn. Cái khó trong cuộc thi này là đương sự phải tự mình làm rất nhiều khâu, tất cả đều nằm trong quang gánh, nằm trên vai, phải thao tác theo bước đi, theo nhịp trống do người khác điều khiển và phải tuân theo những quy định hết sức nghiêm ngặt của ban giám khảo.

Vốn là những cô gái đồng quê hằng ngày tiếp xúc với củi đuốc gạo cơm, lại được sự động viên, cổ vũ của dân làng và đặc biệt là những chàng trai chưa vợ đang để ý, theo dõi nên nhiều cô vẫn hoàn thành được phận sự của mình, vẫn nhận được phần thưởng của cộng đồng ban cho bàn tay sáng tạo khéo léo, cho đức tính kiên nhẫn, cần cù mà kết quả của nó là những niêu cơm thơm dẻo, đảm bảo thời gian.

Làng Ðào Xá (Tam Thanh, Phú Thọ) trong lễ hội cầu xuân (29 tháng giêng âm lịch) có trò thổi cơm thi thật là độc đáo. Gọi là thổi cơm nhưng chưa có gạo mà chỉ mới có thóc nên buộc người dự thi phải xay giã, giần sàng từ đầu chí cuối rồi mới thực hiện được công đoạn chính. Dĩ nhiên là thời gian trong cuộc thi này phải dài hơn (khoảng 90 phút) và số người cũng phải đông hơn (4 người) vì không chỉ thổi cơm mà còn phải cướp gà, thịt gà mới hoàn tất công việc.

Sáng 29, sau lễ cáo yết thành hoàng, trai đinh của bốn giáp trong làng bắt tay vào cuộc thi, mỗi giáp cử 4 người đại diện. Ðịa điểm thi là giữa sân đình, mỗi giáp dựng riêng một bếp ở góc sân để đun nấu đàng hoàng chứ không treo nồi vào cần câu hay quảy nồi trên vai vừa đi vừa nấu như các làng trên. Bốn người tham gia phân công nhau: một người cướp gà, một người kéo lửa, một người gánh nước, một người giã gạo. Tất cả đều quần áo chỉnh tề buộc khăn đỏ ngang lưng và mang theo đầy đủ dụng cụ như nồi đất thổi cơm, nồi đồng luộc gà, cối xay lúa, cối giã gạo, một cái chày, một cái kiềng, một bó củi hay que giang, dao thớt đủ dùng.

Sau ba hồi trống mở màn cuộc thi, mỗi người khẩn trương thực hiện phần việc của mình. Người thì lên thềm đình cướp gà, người thì đến giếng gánh nước, người thì xay giã gạo, người thì kéo lửa từ hai sợi giang. Vấn đề quan trọng để bảo đảm thắng lợi là cả bốn người phải hoạt động đồng bộ, đều tay, phải tính toán việc nào làm trước, việc nào làm sau để hợp lý, khỏi lãng phí thời gian và vật dụng. Chẳng hạn nếu đưa nồi cơm lên thổi đầu tiên thì sẽ rất bất lợi vì đã cháy hết củi nhưng gạo vẫn chưa xay giã xong. Trong trường hợp này họ có thể đun nước sôi làm thịt gà sau đó mới nấu cơm. Nhưng nếu chưa bắt được gà thì cũng nhỡ. Do đó các khâu phải được thực hiện liên hoàn, công việc này phải liên kết với công việc kia mới có thể dành được kết quả như ý muốn. Phần thưởng của làng sẽ giành cho giáp nào nấu được nhanh, cơm chín dẻo, gà thơm ngon.

Trong ngày hội đầu năm của làng Ðông Liệt (Nam Thái, Nam Ðàn, Nghệ An) thì có trò thổi cơm thi theo từng cặp. Sau khi tế Thành hoàng ở đình, làng tổ chức thổi cơm thi cho trai gái trong làng tham gia. Những người dự thi tự ghép thành từng đôi - một nam, một nữ - đảm nhiệm một niêu cơm trình làng. Nữ thì trang phục quần lĩnh, áo mớ ba, nam thì áo dài đen, quần trắng, thắt lưng xanh, đội khăn xếp. Mỗi đợt thi có chừng 10 đôi. Họ phải chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết để khi bước vào trường thi không phải nhờ vả nhau như lúc ở nhà. Niêu cơm được treo vào một chiếc dóng bằng thép mắc vào cây gậy do chàng trai quảy lủng lẳng trên vai. Cô gái thì làm nhiệm vụ cầm bó đuốc đỏ lửa đi theo chàng trai để đốt lửa vào đáy niêu cơm cho đến khi cơm chín. Cuộc thi ở đây không bắt đương sự phải xay giã gạo, kéo lửa, lấy nước mà những thứ đó đã có sẵn. Tài khéo được thể hiện qua việc đôi trai gái phải phối hợp chặt chẽ với nhau, phải hiểu ý nhau, điều tiết cho nhau trong các động tác đun nấu. Vì cái niêu cơm luôn luôn chuyển động theo nhịp bước của chàng trai nên cô gái cũng phải đi theo đúng nhịp bước ấy thì ngọn lửa mới kề sát được đáy niêu. Nhưng nếu chàng trai bước không đều, không nhẹ nhàng thì niêu sẽ lủng lẳng, ngọn lửa không bám được dễ dẫn đến tình trạng cơm sống hoặc chín không đều hay không kịp thời gian. Rồi khi cơm đã cạn thì cô gái phải biết bớt lửa kẻo cơm cháy. Bớt lửa nhưng không được phép rút bớt đóm quăng đi mà phải điều chỉnh bằng cách xoay trở bó đuốc hoặc tiến lùi bước chân. Việc làm này không dễ và người ta thường hơn thua nhau là ở chỗ này.

Khi trống lệnh vang lên, các đôi trai gái dự thi lần lượt bước ra sân đình trình làng. Trống điểm tiếp ba tiếng thì cuộc thi bắt đầu. Từng đôi một đi với nhau, vừa đi vừa nấu cơm theo nhịp trống khoan thai của người cầm chịch. Bà con xem hội đứng hai bên sân đình cổ vũ, hò reo, theo dõi từng động tác của con em mình trong mọi thời điểm. Ðể giúp vui cho ngày hội, làng bố trí một chú làm trò giữa sân đình. Chú len lách, trêu ghẹo hết đôi này đến đôi nọ cốt làm cho họ mải vui mà sao nhãng công việc đang phải tiến hành.

Kết quả của cuộc thi là đôi nào nấu chín cơm nhanh nhất, ngon nhất thì sẽ được ban giám khảo cho điểm cao nhất và làng sẽ tặng giải thưởng cho họ. Hội làng Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) vào dịp Tết Nguyên đán cũng có trò thổi cơm thi tương tự như làng Đông Liệt. Ở đây, chỉ khác là phải đi lấy nước vo gạo bằng một cái đĩa nhỏ, lại phải có hai thanh niên khỏe mạnh kéo lửa nên tổng số từng tốp thi lên đến bốn, năm người. Họ cũng treo niêu vào cần câu dài rồi một người vác đi, một người đốt lửa vào niêu để nấu cơm cho đến chín. Cả tốp vừa đi vòng quanh sân vừa hò đối đáp với nhau rất vui vẻ nhưng cũng vừa phải trông coi một con cóc buộc ở cạnh sân không cho nó nhảy ra ngoài cái vòng vôi đã vạch.

Kết thúc cuộc thi, tốp nào thổi nhanh, thổi ngon, giữ được cóc đúng vị trí thì sẽ được làng tặng giải thưởng và bà con khen ngợi chúc mừng.

Trò thổi cơm thi trong lễ hội cổ truyền không chỉ là một trò chơi giải trí, thi tài trong dịp lễ hội mà nó thực sự còn là loại trò diễn mang yếu tố nghi lễ. Sản phẩm của cuộc nấu cơm thi thường được coi là thức cúng thần linh với ý nghĩa phẩm vật ấy đã được tạo ra từ những gì quý giá, tinh khiết, trong trắng nhất, mất nhiều công sức và được cả cộng đồng ủng hộ từ khâu chuẩn bị đến lúc hoàn thiện sản phẩm biểu trưng cho lòng thành kính của cộng đồng đối với thần linh.

Trò thổi cơm thi phản ánh đậm nét đời sống lao động của cư dân trồng lúa, ý thức tôn trọng sản phẩm nông nghiệp là hạt thóc, hạt cơm. Tùy từng địa phương khác nhau mà trò thổi cơm thi được lồng ghép vào những hình thức biểu hiện độ khó khăn, phức tạp khác nhau.

Trò thổi cơm thi cũng là yếu tố quan trọng, một tín hiệu riêng để chúng ta có thể nhận ra nét khác biệt giữa các lễ hội cổ truyền của từng vùng miền.

Thổi cơm thi là một thành tố trong cấu trúc tổng thể lễ hội cổ truyền. Thành tố này có thể chỉ xuất hiện ở một vài lễ hội diễn ra tại một số vùng miền nhưng nó đã trở thành một trong những hành động hội thu hút và làm say mê đông đảo dân chúng. Và như vậy trò thổi cơm thi hội đủ điều kiện để có thể tồn tại mãi mãi cùng với những lễ hội cổ truyền, cho dù ở một số địa phương, vì nhiều lý do khác nhau, trò diễn này đến nay vẫn chưa được phục hồi hay không còn dấu vết trong lễ hội làng, hoặc đã được thay bằng những hình thức khác, vật cúng khác đồng đẳng với nó như thi bánh dày, thi xôi nén, thi bánh trôi, bánh tẻ, v.v.