Nhà hát Tuồng Trung Ương25/12/2013

Lịch sử hình thành:

Nhà hát Tuồng Việt Nam thành lập năm 1959, tiền thân là Đoàn Tuồng Bắc Trung ương. Ngày đầu thành lập, Nhà hát chỉ có 19 nghệ sỹ, cán bộ; trải qua hơn 40 năm hoạt động, đến nay, Nhà hát đã có gần 200 cán bộ, nghệ sỹ, trong đó có:

     - 8 thế hệ diễn viên biểu diễn.

     - 73 diễn viên, nhạc công tài, sắc có trình độ đài học, trung cấp.

     - Đội ngũ sáng tạo 10 người gồm: Tác giả, đạo diễn, nhạc sỹ, hoạ sỹ có trình độ đại học,

       vững tay nghề, nhiều sáng tạo.

    -  Đội ngũ cán bộ, công nhân có trình độ đại học, trung học chuyên nghiệp các ngành,

       linh hoạt,  vững vàng  trong nghề nghiệp.

    -  Lớp học sinh mới tốt nghiệp hệ trung cấp nghệ thuật Tuồng trẻ, khoẻ, năng động.

Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, nhà hát đã dàn dựng, khai thác, chỉnh lý được nhiều chương trình, tiết mục nghệ thuật đặc sắc ở nhiều đề tài khác nhau:

-    Tuồng truyền thống.

-    Lịch sử.

-    Dan gian.

-    Hiện đại.

-    Nước ngoài .

-    Chương trình múa nhạc cung đình.

-    Chương trình trích đoạn truyền thống mẫu mực.

Nhà hát đã biểu diễn khắp 61 tỉnh thành trong cả nước, được đông đảo khán giả mến mộ. Đặc biệt, Nhà hát Tuồng đã biểu diễn, giao lưu nghệ thuật với nhiều nước trên thế giới như: Pháp, Đức, Mỹ, Liên Xô cũ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật… đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè Quốc tế.

Hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật, với đội ngũ cán bộ, nghệ sỹ tâm huyết với Sân khấu truyền thống của dân tộc, Nhà hát Tuồng Trung ương đã thực sự trở thành một đơn vị nghệ thuật vững mạnh về thể, chất, trí tuệ, tư tưởng, năng lực sán tạo; thực sự là địa chỉ tin yêu tuyệt đối với đông đảo khán giả yêu thích nghệ thuật Tuồng.

Nghệ thuật biểu diễn:

 

Tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc của Việt Nam được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam. Ðến cuối thế kỷ XVIII Tuồng đã phát triển một cách hoàn chỉnh mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn.

 

 

Khác với các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương... Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của Tuồng. Có thể nói Tuồng là sân khấu của những người anh hùng. Trong những hoàn cảnh đầy mâu thuẫn và xung đột bạo liệt bi ai các nhân vật chính diện của Tuồng đã vươn lên thoát khỏi sự chế ngự của hoàn cảnh, hành động một cách dũng cảm, anh hùng, trở thành một tấm gương, một bài học cho người đời ngưỡng mộ noi theo

Tuồng thuộc dòng sân khấu tự sự phương Ðông. Phương thức phản ánh đã đẻ ra thủ pháp và phương tiện biểu diễn Tuồng. Trong quá trình tái hiện cuộc sống Tuồng không có xu hướng tả thực mà chú trọng lột tả cái thần. Tả thần là biện pháp nhằm lột tả cái cốt lõi cơ bản, không đi sâu vào những chi tiết vụn vặt khi những chi tiết ấy không gây được hiệu quả nghệ thuật. Ðể lột tả được cái thần của nhân vật Tuồng dùng thủ pháp khoa trương cách điệu. Tất cả những lời nói, động tác hình thể sự đi lại trên sân khấu Tuồng đều được khoa trương và cách điệu để trở thành những điệu hát, điệu nói, điệu múa có nguyên tắc và niêm luật cụ thể.

Tuồng có một hệ thống những điệu hát và những hình thức múa cơ bản mang tính chất mô hình. Người diễn viên tuồng căn cứ vào hoàn cảnh và tính cách nhân vật mà vận dụng linh hoạt những mô hình đó cho phù hợp. Ðặc trưng của khoa trương cách điệu còn được thể hiện trong âm nhạc, hoá trang, sự hình thành các kiểu mặt nạ hoá trang chủ yếu là sự khoa trương cách điệu đường nét , nếp nhăn trên khuôn mặt người. Quá trình khoa trương cách điệu trong Tuồng đều theo luật chi phối của luật âm dương.

Cùng với khoa trương cách điệu, Tuồng còn dùng thủ pháp biểu trưng ước lệ nghĩa là thủ pháp lấy chi tiết để thay cho toàn thể cuốn hút khán giả cùng tham gia vào sự tưởng tượng và sáng tạo của người diễn viên. Một chiếc roi ngựa có thể thay thế cho một con ngựa, chiếc mái chèo thay cho con thuyền, vài người lính có thể thay thế cho cả một đạo quân, một vòng đi quanh sân khấu có thể thay cho vạn dặm đường trường.

Khác với sân khấu hiện thực tâm lý, Tuồng rất ít bài trí sân khấu. Không gian sân khấu thường được bỏ trống, người diễn viên xuất hiện thì không gian, thời gian cũng xuất hiện. Nhân vật hành động trong không gian, thời gian nào thì sân khấu là không gian, thời gian đó. Thuở trước các gánh hát Tuồng chỉ cần chỉ có một chiếc chiếu trải giữa sân đình và đôi ba cái hòm gỗ đựng đạo cụ phục trang vậy mà họ vẫn diễn tả được không gian thời gian khác nhau, khi là trốn cung điện nguy nga, lúc là nơi núi rừng hiểm trở...

Tuồng vừa chứa đựng yếu tố của sân khấu cổ điển lại vừa chứa đựng những yếu tố của sân khấu hiện đại. Yếu tố cổ điển biểu hiện ở chỗ tất cả những điệu hát, điệu múa được đúc kết trở thành khuôn vàng thước ngọc, hiện đại ở chỗ người diễn viên biểu diễn trên sân khấu không cần cảnh trí, Tuồng là loại sân khấu tổng thể. Ở đây các yếu tố ca, vũ nhạc được pháp triển một cách hài hoà trong nghệ thuật biểu diễn.

Dàn nhạc Tuồng chủ yếu làm nhiệm vụ hỗ trợ trong biểu diễn của diễn viên. Trong dàn nhạc Tuồng gồm có bộ gõ: (trống, thanh la, mõ..), bộ hơi (kèn, sáo, chủ yếu là kèn); bộ dây (nhị, cò, hồ, đại, tiểu...) bộ gảy (tam, tứ, nguyệt...).

Tuồng - một loại hình sân khấu độc đáo của Việt Nam ẩn chứa những giá trị văn hoá, tinh thần của dân tộc, những giá trị nghệ thuật mang tính chất bền vững. Tuồng đã và sẽ còn là những người bạn tri âm, tri kỷ của các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Một số nét cơ bản của nghệ thuật sân khấu Tuồng:

Hàng trăm năm qua, nghệ thuật sân khấu Tuồng là món ăn tinh thần quen thuộc trong đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam.

 

 

Trong những ngày hội hè, tế, lễ, nhân dân thường tổ chức những trò diễn xướng dân gian, nội dung thoả mãn tình cảm, nguyên vọng của dân chúng. Mối quan hệ giữa sân khấu với người xem gần gũi, thân thiết, khán gỉa cùng giao lưu, tưởng tượng, kích lệ diễn viên sáng tạo

 

làm cho buổi biểu diễn phong phú, hấp dẫn và hoàn chỉnh khung cảnh nghệ thuật. Sân khấu Tuồng biến không thành có, biến cái hạn chế thành cái vô hạn. Cùng với người diễn viên , cảnh tượng sân khấu hiện dần lên, địa điểm, thời gian vở Tuồng được xác định . Bằng các phương tiện hát, múa và nhạc đệm, nghệ thuật biểu diễn của diễn viên Tuồng làm sáng tỏ ý nghĩa của câu chuyện tạo ra sự khoái cảm về thẩm mỹ của trí tuệ.

Nghệ thuật sân khấu Tuồng được lưu truyền từ đời này qua đời khác tập trung tài năng và trí tuệ của nhiều thế hệ nghệ sỹ sáng tạo nên; nó có sức mạnh tiềm tàng, vượt qua giông bão của thời gian để trở thành bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam.

 

Địa chỉ:  NộiKhu Văn Hóa, Nghệ Thuật Mai Dịch, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
Website: www.vietnamtuongtheatre.com.vn
Email:vietnamtuong@vnn.vn