Chị em toàn mê nhạc Phú Quang, mê gì tôi!25/10/2016

 

ANTD.VN - Đến chỗ hẹn với hai chiếc valy to oạch, nhạc sĩ Phú Quang bảo bên trong ông đựng toàn thứ quan trọng có giá trị về mặt tinh thần. Vì nặng nên ông phải nhờ người vác theo chứ không tự mình mang được. Nghe đâu toàn giấy tờ sổ sách, rồi cả thẻ vé cho 4 đêm nhạc riêng mà ông sắp tổ chức vào đầu tháng 11 tới tại Hà Nội, lẫn cuốn hồi ký mới toanh còn thơm mùi giấy mà ông vừa in xong và cất cẩn thận trong chiếc hộp gỗ nom đã thấy sang trọng…

 

 

 

Nỗi bất hạnh của người có trí nhớ…quá tốt!

PV: Mấy năm gần đây thấy Phú Quang lúc nào cũng bận bịu, liên lạc với ông nếu không phải đang họp thì cũng bận ký tá đủ thứ dấu má giấy tờ. Bây giờ ông đã đỡ bận hơn chưa?

Nhạc sĩ Phú Quang: Bây giờ tôi vẫn bận thế đấy. Văn phòng của tôi là ở quán cà phê, địa điểm thường trú là ở trên xe, trừ lúc ngủ. Nếu bạn hỏi tôi đang làm trên cương vị gì thì xin nói luôn là tôi đang giữ cương vị nhạc sĩ…đẻ ra chương trình (cười).

- Vậy mà tôi lại nghe nói dạo này Phú Quang có dấu hiệu của tuổi già, tức là bắt đầu có biểu hiện “lẫn” và nói nhiều rồi?

Làm gì có chuyện đấy. Tôi ở tuổi thất thập thật nhưng chả quên cái gì cả đâu. Cái gì tôi cũng nhớ. Tôi có một trí nhớ rất đặc biệt, từ năm 5 tuổi đến giờ, cái gì kể lại cứ như vừa mới xảy ra xong. Đấy cũng là nỗi bất hạnh của người có trí nhớ quá tốt. Bởi vì thế này, nếu bạn nhớ đến một niềm vui thì bạn cũng không vui được lâu, nhưng nghĩ đến một nỗi buồn thì cứ như vừa mới đây thôi, cứ bỏng rát trong lòng. Đấy là bất hạnh chứ hay ho gì đâu.

- Nhớ nhiều thứ như thế, có lúc nào ông cảm thấy trí nhớ của mình bị “quá tải” chưa?

Không, tôi chưa thấy nó quá tải. Mà biết thế nào là quá tải, với một anh chỉ vác được 10kg thì 11kg đã là quá tải rồi, còn anh vác được 100kg thì 11kg cũng chưa thấm vào đâu cả.

- Thế nên việc ông làm chương trình của mình đều như vắt chanh, năm nào cũng phải gần tuần lễ cũng là bình thường thôi đúng không?

Chuyện bình thường thôi. Mình là người lao động quen rồi (cười).

-  Lao động và giỏi kiếm tiền nữa chứ?

Cũng chẳng phải thế. Mình làm tử tế thì tự nhiên tiền đến chứ mình có kiếm đâu (cười). Vả lại, làm việc với tôi là niềm vui chứ chẳng vất vả gì. Mọi người cứ tưởng tôi lao vào làm là để kiếm tiền nhưng không phải. Nhiều người bảo tôi “bây giờ anh thiếu gì tiền, đủ ăn đủ tiêu rồi, làm gì nữa cho mệt”. Tôi bảo với họ rằng không, tôi làm là để thấy mình vẫn còn sống, còn tồn tại, để thỏa mãn việc đốt năng lượng của mình chứ có phải để kiếm tiền đâu. Tất nhiên, sau đấy có tiền thì đành phải nhận thôi.

- Nếu tôi nhớ không nhầm thì có thời ông từng kinh doanh ngoài âm nhạc mãi rồi và việc ông “giải nghệ” có phải minh chứng cho thấy Phú Quang chẳng kinh doanh gì giỏi bằng kinh doanh âm nhạc không?

- Không phải cái kia (công việc kinh doanh mở nhà hàng – PV) không giỏi, mà ngược lại nếu tôi còn kinh doanh nó thì đảm bảo kiếm được rất nhiều tiền, chỉ có điều mình thì “đi” lâu rồi. Lý do là vì mọi người quá yêu mình, ai đến cũng mời nhạc sĩ một ly rượu. Ở nhà hàng thì ngày nào tôi cũng phải uống từ 20-30 ly như thế. Thế không phải nếu còn làm thì mình chết lâu rồi không (cười). Tôi thấy nguy cơ đấy nên tôi bỏ ngang thôi, giờ có làm chỉ có làm loanh quanh âm nhạc.

- Thế mà ở ngoài phố, nhiều nơi vẫn trưng tên Phú Quang lên biển quảng cáo lắm làm không ít người tưởng ông “đa-di-năng” thật!

Thật ra cái tên của tôi cũng rất hiếm, người ta làm thế thì mình đành phải tự an ủi mình chứ biết làm sao. May ngày xưa hồi 13 tuổi, tôi từng đọc “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn rồi, tôi ý thức được rằng ai có đánh mình thì mình cũng chẳng thèm chấp, coi như họ đánh…bố họ nên không việc gì phải giận dỗi hay ghét bỏ ai làm gì. Huống hồ người ta yêu quý mình quá nên mới trưng tên mình lên như thế (cười).

 

 

 

Điệu để nhìn mình cho đỡ chán!

- Đã có ai nói với Phú Quang rằng trông ông lúc nào cũng sành điệu và “đỏm dáng” chưa?

- Vì người ta bắt mình điệu đấy chứ (cười). Ví dụ như tôi có một ông bạn là chủ tiệm giày. Ông ấy có rất nhiều giày “xịn” mà tặng tôi  tới giờ là 4 đôi rồi, có đôi có giá tận 4 nghìn rưỡi “đô”. Như đôi giày tôi đang đi ở chân đây cũng là ông ấy tặng, đâu cũng 20-30 triệu đồng gì đấy. Từ chỗ quen biết, ngồi nói chuyện với nhau xong ông ấy quý mình. Gặp tôi ở quán, ông ấy mang giày ra hỏi tôi có thích đôi này không. Tôi chỉ bảo “cũng đẹp” thế được tặng luôn.

Hôm sau ông bạn này lại mang đôi khác đến hỏi tôi có thích không, tôi đành bảo “em đừng hỏi anh có thích không, vì nếu thích thì anh thích nhiều lắm”, ông ấy liền bảo: “anh thích đến đâu, em tặng đến đấy”. Bảo sao mình lại chả điệu (cười). Nói vui vậy thôi chứ mình điệu cũng là để soi gương nhìn mình cho đỡ chán!

- Đến cánh mày râu còn yêu quý Phú Quang như thế bảo sao chị em phụ nữ lại chẳng mê ông như điếu đổ?

Chị em toàn mê nhạc Phú Quang tôi, chứ mê gì tôi đâu. Trong khi nhạc thì có biết yêu đương gì đâu cơ chứ (cười).

- Sao ông không nghĩ các cô ấy yêu mình vì ngày trẻ mình đẹp trai, còn bây giờ thì …kháu lão như cách mà ông tự ví?

Nếu thế thì mừng quá chứ đến tận bây giờ tôi vẫn cứ nghĩ họ chỉ mê các bài hát của Phú Quang chứ mê gì mình (cười).

- Nói gì thì nói, những người phụ nữ liên quan đến Phú Quang đều đẹp. Ông có nghĩ mình là người dễ rung rinh trước cái đẹp không?

Tôi là người phải có tình cảm mới có thể gắn bó với người nào đó. Nói thật, tôi không dám nhận mình là người đứng đắn nhưng từ hồi trẻ tôi đã không thích “bia ôm” này nọ. Đơn giản vì tôi chẳng thấy có tình cảm gì thật trong những cuộc nhậu nhẹt vui vẻ đó cả.

Có chuyện này thật 100%. Ngày xưa có lần tôi được đặt làm chương trình trong Sài Gòn với giá 50.000 “đô”, số tiền này vào thời đó là lớn lắm. Lúc lấy tạm ứng một nửa tiền, anh em rủ mình đi uống bia. Vào quán, thấy mình đi phăm phăm họ đoán ngay là “chủ chi” nên ưu ái lắm, chọn luôn một cô xinh nhất lên ngồi uống cùng. Thế mà lúc cô ấy vừa chạm tay vào tay tôi là tôi nổi hết cả da gà, tôi phải bảo khéo rằng tôi đang ốm thành ra rất sợ ai chạm vào mình.

Xong đến lúc ăn, cô ấy gắp thức ăn cho tôi, tôi lại phải thật thà bảo: “anh có thói quen từ bé mẹ dạy là muốn ăn cái gì phải tự gắp, chứ không bao giờ để ai gắp cho, nên em cứ để anh thích ăn gì anh tự gắp”. Cả buổi hôm đó tôi cũng chẳng ăn gì, chỉ nhấm nháp mấy hạt điều. Xong lúc về tôi “bo” cho cô ấy 100 nghìn đồng, cô ấy cảm ơn xong chạy ngay xuống dưới nhà cười phá lên bảo: “thằng cha này dở hơi lắm”. Thế nên bảo tôi dễ rung rinh trước cái đẹp chắc là không đúng rồi.

 

 

 

Hứng lên nên viết sách…

- Nghe nói ông còn viết cả sách, in ấn xong hết rồi chỉ đợi ngày ra mắt thôi?

Đúng vậy, tôi vừa làm xong cuốn sách “Chuyện bình thường và Những mảnh hồi ức chợt hiện”, dự định sẽ ra mắt vào đúng dịp thực hiện 2 chương trình của mình vào đầu tháng 11 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội gồm: “Khi mùa thu tới” diễn ra vào tối 3,4 -11 và “Rồi mùa đông sẽ qua” diễn ra vào tối 5,6-11. Nhiều người hỏi tôi sao tự dưng lại viết sách, tôi nói thật là hứng lên thì tôi viết, tự dưng một ngày ngồi buồn quá liền nghĩ đến chuyện thử viết chơi xem thế nào.Vả lại cũng nhiều người muốn biết về mình, mình giải thích một chút cho người ta thỏa mãn trí tò mò vậy thôi.

Sao ông lại đặt tựa là “Chuyện bình thường và Những mảnh hồi ức chợt hiện”?

Chính xác là cuốn sách này gồm có 2 phần. Phần một là 81 bài hát tôi viết sẵn cả nhạc dạo, hòa âm rồi bản nhạc mà người ta có thể xem rồi làm theo được. Tôi có khoảng gần 500 bài hát nên 81 bài này cũng là “chuyện bình thường” thôi. Phần 2 của sách lúc đầu tôi định để tựa đề là “Những ghi chép lăng nhăng” nhưng phía NXB họ ngại chữ “lăng nhăng” bảo nghe hơi nhạy cảm nên đề nghị tôi đổi, nên tôi đổi thành “Những mảnh hồi ức chợt hiện”, đó là những câu chuyện về kỷ niệm tuổi thơ, học nhạc, quãng thời gian tôi vào Nam sinh sống, về những người bạn, về các con và gia đình.

- Thế còn những “bóng hồng” đã đi qua cuộc đời của Phú Quang thì sao?

Không, tôi không định đưa những cuộc tình của mình vào sách. Tôi muốn giữ chúng cho riêng mình. Mình tự suy từ bản thân mình ra, đến tuổi này rồi, yên ổn hay không thì mỗi người đều có cuộc sống riêng, giờ mà tôi nói ra chuyện nọ chuyện kia khác nào gây sóng gió cho gia đình người khác. Thế thì nói ra để mà làm gì.

- Hình như trong cuốn sách này, ông còn trích đăng cả lá thư mà cô con gái riêng của người vợ hiện tại viết và nhắc đến mình?

Đúng rồi. Ngoài 3 người con của mình ra, tôi cũng coi cô con gái riêng của vợ như con ruột của mình vậy. Trong cuốn sách này có trích đăng bài viết mà cô bé viết năm 10 tuổi với những lời lẽ rất cảm động. Đại loại là khi cô bé ra đời thì bố mẹ cháu chia tay, lúc lớn lên cháu cứ nghĩ bố mẹ ghét bỏ mình và luôn cảm thấy tủi thân vì không có bố.

Sau này cô bé cảm thấy vui khi mẹ gặp tôi - một người yêu và thương cháu như con. Từ đó, cháu cảm thấy không có gì phải tủi thân hay xấu hổ vì đã có một người bố yêu thương mình. Bài viết đó, cô giáo của cháu thấy cảm động nên đăng lên mạng xã hội. Khi đưa vào cuốn sách này, tôi cũng hỏi ý kiến cháu và cháu cười đồng ý.

- Nhiều người ngại không muốn viết ra sách hay viết hồi ký, vì nghe như thể tổng kết lại cuộc đời mình vậy. Ông thì sao?

Ý bạn là “xong đời” chứ gì. Tôi thì chẳng ngại vì tôi đã “xong đời” đâu. Tôi còn nhiều chuyện chưa nói lắm, còn nhiều cái để viết nên còn lâu mới xong được (cười).

Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành và thú vị của ông!

Cuốn hồi ký của nhạc sĩ Phú Quang có tựa đề “Chuyện bình thường và Những mảnh hồi ức chợt hiện” được ông cẩn thận đựng trong một chiếc hộp gỗ màu nâu rất đẹp. Phú Quang thổ lộ sở dĩ ông muốn nâng niu từ cái vỏ gỗ bên ngoài bởi từ nhỏ đã được mẹ dạy rằng: “ Điều gì con không thích thì đừng bao giờ bắt người khác phải chịu”. Tính ông không thích dùng đồ “rởm” nên đến cái hộp gỗ đựng sách, ông cũng quyết phải làm “xịn xịn một tý” với suy nghĩ: “Làm là để người khác dùng, chứ làm để 3 ngày họ vứt đi thì tôi cũng xấu  hổ lắm”. Đi kèm với cuốn hồi ký này là 6 đĩa ghi lại 81 bài hát mà ông in trong phần 1 của cuốn sách. Cả bộ sách và đĩa được bán với giá 1 triệu đồng/bộ.